ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
Trần Mỹ Duyệt
Trong cuộc hành hương dõi theo vết chân Chúa năm 2019, tôi đã
đến nơi được cho là ở đó Chúa Giêsu từ giã các môn đệ và lên
trời. Tại đây, tôi cũng có dịp nhìn thấy hòn đá có vết chân
người, mà theo người hướng dẫn cắt nghĩa, đó là dấu chân của
Chúa Giêsu.
Đứng ở nơi này, tôi cũng có cảm giác lâng lâng, bâng khuâng, lưu
luyến với tâm trạng Thầy trò ly biệt như các môn đệ năm xưa. Lời
thánh sử Luca đã ghi đang lập lại trong tôi: “Sau
đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho
các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và
được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại
Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc
tụng Thiên Chúa.” (Lc 24:50-53) Và
tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn len lén tâm tư trong các ông,
khi tôi nhớ lại những lời trong Tông Đồ Công Vụ: “Hỡi
những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng
vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như
các ông đã thấy Người lên trời.” (1:11)
Một đàng “Lòng đầy hoan hỷ” vì
thấy Thầy về cùng Chúa Cha, một
đàng như lưu luyến, bịn rịn của giây phút biệt ly: “Sao còn đứng
nhìn lên trời?” Giữa hai tâm trạng ấy, tôi cảm thấy lời nguyện
của Giáo Hội dạy khi suy ngắm mầu nhiệm Chúa về trời có một cái
gì khiến ta phải suy nghĩ: “Thứ Hai thì ngắm Đức Chúa Giêsu
lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.”
Trên trời thì có sự gì để “ái mộ”? Thực tế đã có ai lên trời mà
biết được trên đó có những gì? Sinh hoạt ra sao? Nếu trời là
thiên đàng, thì phải chăng ở trên đó là chốn bồng lai tiên cảnh,
miền cực lạc, hoặc nơi sáng láng, vui vẻ vô cùng.
Phi hành gia Nga, Yuri Gagarin được cho là người đã nói câu này
sau khi từ quĩ đạo trái đất trở về: “Tôi đã nhìn và đã nhìn
và đã nhìn, nhưng tôi không thấy Chúa đâu cả”. Khác với
những kẻ vô thần không tin có Chúa, và cũng không nhìn thấy
Chúa, thánh Phaolô trong cơn ngất trí, được đưa lên đến tầng
trời thứ ba đã viết: “Mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng
trí chưa hề tưởng tượng được những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho
những kẻ Ngài yêu thương.” (1 Cor 2:9)
Ngoài tầng trời thứ ba, còn có bao nhiêu tầng trời khác nữa
thuộc cái vũ trụ bao la? Và như vậy, thiên đàng là một cái gì
khiến sự hiểu biết của trí khôn con người trở nên bất lực. Tương
tự như thánh Augustine trên một bãi biển khi suy về mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi. Ông thành ý, nhưng việc làm của ông cũng
không khác gì một em bé lấy chiếc vỏ sò tát nước biển vào một lỗ
cáy.
Vậy chúng ta sẽ tìm kiếm gì hôm nay khi suy niệm về cuộc chia ly
giữa Chúa Giêsu và các môn đệ lúc Ngài về trời. Tìm kiếm một
thiên đàng như một nơi chốn mà ở đó không còn bất công, chiến
tranh, và bạo loạn? Đời sống con người sẽ không có chết chóc,
khổ sầu, đói khát, nghèo hèn, ốm đau và bệnh tật? Thật ra, đây
không phải là thiên đàng mà Chúa Giêsu đã trở về. Và cũng không
phải là thiên đàng mà Ngài đã hứa ban tặng cho những ai trung
thành, yêu mến Ngài, và tuân giữ lời Ngài.
Nhưng qua việc Chúa về trời, qua hình ảnh thánh sử Luca, cũng
như thánh Phaolô đã ghi lại, chúng ta biết được điều này, đó là
Chúa Giêsu về trời hay về nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị với bản
tính nhân loại đã được phục sinh, hòa trộn với bản tính Thiên
Chúa trong tình yêu vĩnh cửu. Đây là điều mang lại cho con người
niềm hy vọng sau cuộc đời này sẽ được về hưởng vinh quang Thiên
Quốc, nhờ bản tính con người đã được thánh hóa, nâng lên hàng
thần thánh trong Chúa Kitô.
Ngoài ra, điều mà con người cần phải suy ngắm mỗi khi nhìn lên
trời là nơi đó Thiên Chúa đang ngự trị, đang chờ đón chúng ta
bằng một tình yêu vô biên của người Cha. Thánh Têrêsa Hài Đồng
Giêsu, một hôm nhìn lên bầu trời, đã chỉ lên đó và nói với cha
mình: “Cha coi. Tên con đã được ghi trên trời kìa”. Và
cũng ở nơi đó, chúng ta được yêu mến Thiên Chúa một cách thỏa
tình mà không bị giới hạn bởi con người thể chất, bởi những
nghịch cảnh chung quanh, và nhất là bởi Satan luôn tìm mọi
phương cách để phá vỡ tình yêu mà chúng ta muốn dành để kính mến
Ngài. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8 và 1 Gioan
4:16). Ở nơi đó, chúng ta sẽ được mặt đối mặt nhìn ngắm và yêu
mến Thiên Chúa tốt lành. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như
trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi
biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ biết hết, như Thiên Chúa
biết tôi.” (1 Cor 13:12)
Và đó là những gì chúng ta phải suy ngắm, yêu mến, ái mộ mỗi khi
nhìn lên trời. Đặc biệt hôm nay cũng như các môn đệ khi lưu
luyến chia tay Thầy mình lúc Ngài về trời.